Ký hiệu xếp hạng tín nhiệm và định nghĩa

Ngày cập nhật: 06/01/2025

            

Ký Hiệu Xếp Hạng Tín Nhiệm

Hệ Thống Bậc Xếp Hạng Tín Nhiệm Của VIS Rating

Xếp hạng tín nhiệm dựa trên hệ thống bậc xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn và dài hạn của VIS Rating là các ý kiến mang tính dự báo tương lai về rủi ro tín dụng tương đối của một tổ chức, một khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài chính, chứng khoán nợ, cổ phần ưu đãi hoặc các công cụ tài chính khác hoặc của một tổ chức phát hành khoản nợ hoặc công cụ tài chính, chứng khoán nợ, cổ phần ưu đãi hoặc công cụ tài chính khác đó tại Việt Nam.

Xếp hạng tín nhiệm của VIS Rating đánh giá khả năng của tổ chức phát hành trong việc có đủ nguồn tiền để thực hiện nghĩa vụ nợ, và sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ nợ đó[1]. VIS Rating định nghĩa rủi ro tín dụng là rủi ro mà một tổ chức/tổ chức phát hành có thể không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng của mình khi đến hạn thanh toán và bất kỳ tổn thất tài chính ước tính nào trong trường hợp mất khả năng thanh toán hoặc suy giảm giá trị. Đặc biệt ở các bậc xếp hạng thấp của thang điểm xếp hạng, điển hình là CCC và thấp hơn, các bậc xếp hạng thường bao gồm cả các xem xét bổ sung phản ánh kỳ vọng của chúng tôi về khả năng thu hồi nợ gốc và tiền lãi, cũng như yếu tố không chắc chắn xung quanh kỳ vọng đó.

Xếp hạng tín nhiệm dài hạn được đưa ra đối với các tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ có thời gian đáo hạn ban đầu là một năm trở lên và phản ánh cả khả năng mất khả năng thanh toán hoặc suy giảm giá trị của các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng và tổn thất tài chính dự kiến trong trường hợp mất khả năng thanh toán hoặc suy giảm giá trị.

Xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn được đưa ra đối với các công cụ nợ có thời gian đáo hạn ban đầu là tối đa 13 tháng và phản ánh cả trường hợp mất khả năng thanh toán hoặc suy giảm giá trị của các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng và tổn thất tài chính dự kiến trong trường hợp mất khả năng thanh toán hoặc suy giảm giá trị.

VIS Rating đưa ra xếp hạng tín nhiệm ở cấp độ tổ chức phát hành và cấp độ công cụ nợ theo cả thang điểm dài hạn và thang điểm ngắn hạn. Thông thường, kết quả xếp hạng được công bố công khai, mặc dù việc xếp hạng tín nhiệm bảo mật và không công bố cũng có thể được thực hiện.

 

Hệ Thống Bậc Xếp Hạng Tín Nhiệm Dài Hạn

Xếp hạng tín nhiệm dài hạn của VIS Rating là ý kiến về khả năng thanh toán nợ một cách tương đối của tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ có thời gian đáo hạn ban đầu là một năm trở lên tại Việt Nam.

Hệ Thống Bậc Xếp Hạng Tín Nhiệm Dài Hạn

AAA

Tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ được xếp hạng AAA thể hiện khả năng thanh toán nợ cao nhất so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác.

AA

Tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ được xếp hạng AA thể hiện khả năng thanh toán nợ rất cao so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác.

A

Tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ được xếp hạng A thể hiện khả năng thanh toán nợ trên trung bình so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác.

BBB

Tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ được xếp hạng BBB thể hiện khả năng thanh toán nợ trung bình so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác.

BB

Tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ được xếp hạng BB thể hiện khả năng thanh toán nợ dưới trung bình so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác.

B

Tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ được xếp hạng B thể hiện khả năng thanh toán nợ yếu so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác và có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán, với triển vọng phục hồi cao.

CCC

Tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ được xếp hạng CCC thể hiện khả năng thanh toán nợ rất yếu so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác và có khả năng hoặc gần như mất khả năng thanh toán, thường với triển vọng phục hồi trung bình.

CC

Tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ được xếp hạng CC thể hiện khả năng thanh toán nợ vô cùng yếu so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác và thường mất khả năng thanh toán, với triển vọng phục hồi thấp.

C

Tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ được xếp hạng C thể hiện khả năng thanh toán nợ yếu nhất so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác và thường mất khả năng thanh toán, với triển vọng phục hồi rất thấp.

Ghi chú: VIS Rating bổ sung dấu + và – vào từng bậc xếp hạng chung từ AA đến CCC. Dấu + thể hiện nghĩa vụ được xếp ở mức cao hơn trong cùng một bậc xếp hạng chung; không bổ sung thêm dấu thể hiện xếp hạng ở mức giữa; và dấu – thể hiện nghĩa vụ được xếp ở mức thấp hơn trong cùng một bậc xếp hạng chung.

 

Hệ Thống Bậc Xếp Hạng Tín Nhiệm Ngắn Hạn

Xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn của VIS Rating là ý kiến về khả năng của tổ chức phát hành tại Việt Nam, một cách tương đối so với các tổ chức phát hành khác ở trong nước, trong việc thanh toán các nghĩa vụ nợ có thời gian đáo hạn ban đầu không quá 13 tháng.

Có năm bậc xếp hạng tín nhiệm trên thang điểm xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn trong nước như định nghĩa dưới đây.

Hệ Thống Bậc Xếp Hạng Tín Nhiệm Ngắn Hạn

A-1

Tổ chức phát hành được xếp hạng A-1 có khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ ngắn hạn ưu tiên không có bảo đảm cao nhất so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác.

A-2

Tổ chức phát hành được xếp hạng A-2 có khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ ngắn hạn ưu tiên không có bảo đảm trên trung bình so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác.

B-1

Tổ chức phát hành được xếp hạng B-1 có khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ ngắn hạn ưu tiên không có bảo đảm trung bình so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác.

B-2

Tổ chức phát hành được xếp hạng B-2 có khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ ngắn hạn ưu tiên không có bảo đảm yếu so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác.

C-1

Tổ chức phát hành được xếp hạng C-1 có khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ ngắn hạn ưu tiên không có bảo đảm yếu nhất so với các tổ chức và giao dịch trong nước khác.

 

Mối Liên Hệ Tiêu Chuẩn Giữa Hệ Thống Bậc Xếp Hạng Tín Nhiệm Dài Hạn Và Ngắn Hạn

Bảng dưới đây thể hiện các xếp hạng tín nhiệm dài hạn nhất quán với các xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn khác nhau khi tồn tại xếp hạng tín nhiệm dài hạn đó.

Xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn được dựa trên sơ đồ này trong trường hợp khả năng thanh khoản của tổ chức phát hành tương ứng hoặc cao hơn bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn của tổ chức phát hành đó. Khi quyết định bậc xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn, chúng tôi cũng thường cân nhắc các nguồn thanh khoản và việc sử dụng nguồn thanh khoản của một tổ chức phát hành trong 12-15 tháng tiếp theo. Do đó, trong một số trường hợp, xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn có thể được xác định ở bậc thấp hơn so với bậc được thể hiện tại mối liên hệ tiêu chuẩn này.

 

mceclip0_4.png

 

Các Tổ Chức Phát Hành Và Công Cụ Nợ Được Xếp Hạng Theo Hệ Thống Bậc Xếp Hạng Dài Hạn Và Ngắn Hạn 

Xếp Hạng Tín Nhiệm Tổ Chức Phát Hành

Xếp Hạng Tín Nhiệm Tổ Chức Phát Hành là ý kiến về khả năng của các tổ chức trong việc thanh toán các khoản nợ ưu tiên không có bảo đảm và các công cụ nợ khác. Xếp Hạng Tín Nhiệm Tổ Chức Phát Hành có xét đến bất kỳ hỗ trợ đáng kể từ bên ngoài được dự kiến là có lợi cho các chủ nợ không bảo đảm nói chung, nhưng không xét đến các thu xếp hỗ trợ (ví dụ: bảo lãnh) đối với các nghĩa vụ tài chính ưu tiên không có bảo đảm cụ thể.

Xếp Hạng Tín Nhiệm Chương Trình Phát Hành Trái Phiếu Trung Hạn Và Công Cụ Nợ

VIS Rating xác định xếp hạng tín nhiệm công cụ nợ đối với các chương trình phát hành trái phiếu trung hạn (Medium-Term Note - MTN) và đối với chứng khoán nợ riêng lẻ được phát hành từ các chương trình đó (được gọi là các đợt rút vốn hoặc trái phiếu). Xếp hạng tín nhiệm chương trình phát hành trái phiếu trung hạn (MTN) nhằm phản ánh bậc xếp hạng tín nhiệm có khả năng được quyết định cho các đợt rút vốn từ chương trình đó với thứ tự ưu tiên yêu cầu thanh toán cụ thể (ví dụ: ưu tiên hoặc thứ cấp).

Xếp Hạng Tín Nhiệm Tạm Thời

VIS Rating có thể xác định bậc xếp hạng tín nhiệm tạm thời đối với một tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ khi sự thay đổi của bậc xếp hạng chính thức phụ thuộc vào việc hoàn thành các nghĩa vụ tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến bậc xếp hạng tín nhiệm. Ví dụ về các nghĩa vụ tiềm tàng bao gồm việc hoàn tất các tài liệu/điều khoản giao dịch khi bậc xếp hạng chính thức nhạy cảm với thay đổi tại thời điểm hoàn thành. Trong trường hợp không có các nghĩa vụ tiềm tàng đó, bậc xếp hạng chính thức có thể được xác định dựa trên các tài liệu giao dịch mà chưa phải là bản cuối cùng. Một bậc xếp hạng tạm thời được thể hiện bằng ký hiệu (P) trước bậc xếp hạng đó. Ký hiệu (P) cung cấp thêm thông tin về bậc xếp hạng nhưng không thể hiện bậc xếp hạng khác. Ví dụ, một bậc xếp hạng tạm thời (P) AA+ có cùng bậc xếp hạng với AA+.

Đối với xếp hạng tạm thời của một tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ, ký hiệu (P) sẽ được loại bỏ khi các nghĩa vụ tiềm tàng đã được hoàn thành.

 

Các Ký Hiệu Xếp Hạng Khác

Kết Thúc Xếp Hạng - WR

Khi VIS Rating không còn xếp hạng tín nhiệm một tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ mà bậc xếp hạng đã được duy trì trước đó, ký hiệu WR sẽ được sử dụng.

Không Được Xếp Hạng - NR

Ký hiệu NR được đưa ra đối với một tổ chức phát hành, công cụ nợ và/hoặc chương trình không được xếp hạng tín nhiệm.

 

Các Định Nghĩa Khác

Định Nghĩa Về Mất Khả Năng Thanh Toán

Định nghĩa của VIS Rating về mất khả năng thanh toán chỉ áp dụng đối với các công cụ nợ. Các sự kiện sau đây cấu thành việc mất khả năng thanh toán nợ theo định nghĩa của chúng tôi:

1.      Việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện thanh toán tiền gốc hoặc tiền lãi theo nghĩa vụ hợp đồng (không bao gồm hành vi không thanh toán được khắc phục trong thời hạn ân hạn được phép theo hợp đồng), như được quy định tại các thỏa thuận tín dụng và khế ước nhận nợ;

2.      Việc thực hiện thủ tục phá sản hoặc yêu cầu thực hiện thủ tục tiếp nhận tài sản theo quy định của pháp luật về phá sản bởi tổ chức phát hành công cụ nợ hoặc bên có nghĩa vụ mà có khả năng dẫn đến việc không thanh toán hoặc chậm thanh toán trong tương lai đối với các khoản nợ phải trả theo nghĩa vụ hợp đồng;

3.      Một hoán đổi kiệt quệ (distressed exchange) xảy ra khi (i) một tổ chức phát hành đề nghị với các chủ nợ một khoản nợ mới hoặc khoản nợ được cơ cấu lại, hoặc một gói chứng khoán, tiền hoặc tài sản mới làm giảm giá trị so với cam kết ban đầu của nghĩa vụ nợ; và (ii) việc hoán đổi cho phép tổ chức phát hành tránh được trường hợp mất khả năng thanh toán;

4.      Thay đổi các điều khoản thanh toán của một thỏa thuận tín dụng hoặc khế ước nhận nợ dẫn đến việc giảm giá trị nghĩa vụ tài chính.

Định nghĩa của chúng tôi về mất khả năng thanh toán không bao gồm các trường hợp “vi phạm về mặt kỹ thuật (technical defaults),” chẳng hạn như các vi phạm về tỷ lệ vay nợ tối đa hoặc tỉ lệ bao phủ nợ tối thiểu, trừ khi bên có nghĩa vụ không khắc phục được vi phạm và không đáp ứng được yêu cầu về trả nợ trước hạn có thể được đưa ra do việc vi phạm đó.

Trường hợp loại trừ cũng bao gồm việc không thực hiện các khoản thanh toán còn nợ theo các nghĩa vụ nợ dài hạn hoàn toàn do sai sót kỹ thuật hoặc quản lý mà (i) không liên quan đến khả năng hoặc việc sẵn sàng trả nợ; và (ii) được khắc phục trong thời gian rất ngắn (thông thường từ 1-2 ngày làm việc sau khi phát hiện sai sót đó). Cuối cùng, trong một số trường hợp căn cứ vào các sự việc và tình huống thực tế, việc không thanh toán theo hợp đồng tài chính hoặc yêu cầu thanh toán có thể được loại trừ nếu chúng là kết quả của các tranh chấp pháp lý về tính hợp lệ của các yêu cầu thanh toán đó.

 

Định Nghĩa Về Suy Giảm Giá Trị

Một loại chứng khoán bị suy giảm giá trị khi các nhà đầu tư nhận được — hoặc có khả năng gần như chắc chắn nhận được  — giá trị thấp hơn so với dự kiến nếu các bên có nghĩa vụ không trải qua khó khăn về tài chính hoặc bằng cách khác bị cản trở bởi một bên thứ ba trong việc thanh toán, ngay cả khi khế ước nhận nợ hoặc thỏa thuận không quy định nhà đầu tư có quyền yêu cầu khắc phục trong các trường hợp nêu trên, chẳng hạn như quyền buộc bên có nghĩa vụ phá sản.

Định nghĩa của về suy giảm giá trị của VIS Rating được áp dụng đối với các công cụ nợ. Một công cụ nợ được xem là suy giảm giá trị trong bất kỳ trường hợp sau:

1.      Xảy ra bất kỳ sự kiện nào theo định nghĩa của chúng tôi về mất khả năng thanh toán;

2.      Bỏ qua việc thanh toán tiền gốc hoặc tiền lãi dự kiến đối với các công cụ nợ được phép theo hợp đồng;

3.      Hạ bậc tín nhiệm xuống bậc CC hoặc C, cho thấy dự kiến gần như chắc chắn về mức độ tổn thất đáng kể trong tương lai;

4.      Bút toán giảm hoặc hoán đổi kiệt quệ[2] dẫn đến suy giảm giá trị đối với các công cụ nợ do kiệt quệ tài chính xảy ra khi (i) cam kết thanh toán tiền gốc cho một nhà đầu tư bị giảm bớt theo các điều khoản của khế ước nhận nợ hoặc thỏa thuận điều chỉnh khác[3]; hoặc (ii) một bên có nghĩa vụ đề nghị các nhà đầu tư về một khoản nợ mới hoặc khoản nợ được cơ cấu lại, hoặc một gói chứng khoán, tiền hoặc tài sản mới, và hoán đổi đó có hiệu lực cho phép tổ chức phát hành tránh được việc bỏ qua thanh toán được cho phép theo hợp đồng theo nội dung nêu tại điểm (2) trên đây.

 

Các Phương Pháp Xếp Hạng Tín Nhiệm

Các Phương Pháp Xếp Hạng Tín Nhiệm mô tả khung phân tích mà các hội đồng Xếp Hạng Tín Nhiệm của VIS Rating sử dụng để quyết định kết quả xếp hạng tín nhiệm. Các phương pháp này đưa ra các yếu tố phân tích chính mà VIS Rating tin rằng đó là các yếu tố xác định rủi ro tín nhiệm quan trọng nhất đối với lĩnh vực liên quan. Các Phương Pháp Xếp Hạng Tín Nhiệm không liệt kê tất cả các yếu tố được phản ánh trong các xếp hạng tín nhiệm của VIS Rating; mà chỉ đơn giản đưa ra các đánh giá định tính và định lượng chính được VIS Rating sử dụng để quyết định kết quả xếp hạng tín nhiệm. Để giúp bên thứ ba hiểu được hướng tiếp cận của VIS Rating trong việc phân tích, tất cả Các Phương Pháp Xếp Hạng Tín Nhiệm đều được công bố công khai.

 

Triển Vọng Xếp Hạng Tín Nhiệm

Triển vọng xếp hạng tín nhiệm của VIS Rating là ý kiến về định hướng xếp hạng trong trung hạn. Triển vọng xếp hạng tín nhiệm được xếp vào bốn nhóm: Tích Cực (POS), Tiêu Cực (NEG), Ổn Định (STA), và Đang Phát Triển (DEV). Triển vọng có thể được xác định đối với tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ.

Việc chỉ định RUR (Các) Xếp Hạng Tín Nhiệm Đang Được Đánh Giá Lại) thể hiện rằng một tổ chức phát hành có một hoặc nhiều xếp hạng tín nhiệm đang được đánh giá lại, mà có thể thay đổi cả triển vọng xếp hạng tín nhiệm. Việc chỉ định RWR (Các) Xếp Hạng Tín Nhiệm Bị Kết Thúc) thể hiện rằng một tổ chức phát hành không có xếp hạng tín nhiệm có hiệu lực nào mà triển vọng xếp hạng tín nhiệm được áp dụng.

Triển vọng ổn định thể hiện khả năng thay đổi bậc xếp hạng ở mức thấp trong trung hạn. Triển vọng tiêu cực, tích cực hoặc đang phát triển thể hiện khả năng thay đổi bậc xếp hạng ở mức cao hơn trong trung hạn. Hội đồng Xếp Hạng Tín Nhiệm xác định một triển vọng ổn định, tiêu cực, tích cực hoặc đang phát triển cho bậc xếp hạng của một tổ chức phát hành cũng thể hiện sự tin tưởng của hội đồng rằng hồ sơ tín nhiệm của tổ chức phát hành đó nhất quán với mức xếp hạng liên quan tại thời điểm đó.

 

Đánh Giá Lại Xếp Hạng Tín Nhiệm

Việc đánh giá lại thể hiện rằng một xếp hạng tín nhiệm đang được xem xét thay đổi trong ngắn hạn. Một xếp hạng tín nhiệm có thể được đánh giá lại để quyết định nâng bậc (UPG) hoặc hạ bậc (DNG). Quá trình đánh giá lại có thể kết thúc bằng việc một xếp hạng tín nhiệm được nâng bậc, hạ bậc hoặc xác nhận là không thay đổi. Các xếp hạng tín nhiệm đang được đánh giá lại được thể hiện là đang “Trong Danh Sách Theo Dõi (Watchlist)” hoặc “Được Đánh Giá Lại (On Watch)” bởi VIS Rating. Xếp hạng tín nhiệm được đánh giá lại khi một hành động xếp hạng tín nhiệm có thể được đảm bảo trong ngắn hạn, nhưng vẫn cần thêm thông tin hoặc phân tích để đi đến quyết định về việc có cần thiết thay đổi bậc xếp hạng hay không hoặc về mức độ tiềm năng thay đổi.

 

Xác Nhận Xếp Hạng Tín Nhiệm

Xác Nhận Xếp Hạng Tín Nhiệm là một công bố công khai về việc đánh giá lại đã công bố trước đây đối với một xếp hạng tín nhiệm đã hoàn thành mà không có sự thay đổi về bậc xếp hạng.

 

Phê Chuẩn Xếp Hạng Tín Nhiệm

Phê Chuẩn Xếp Hạng Tín Nhiệm là một công bố công khai về việc Xếp Hạng Tín Nhiệm hiện tại của một tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ, hiện đang không trong quá trình đánh giá lại, tiếp tục được xếp hạng phù hợp. Phê Chuẩn Xếp Hạng Tín Nhiệm thường được phát hành để thể hiện ý kiến của VIS Rating rằng diễn biến tín nhiệm công bố không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xếp hạng tín nhiệm đang còn hiệu lực.

 

VIS Rating

VIS Rating nghĩa là Công Ty Cổ Phần Xếp Hạng Tín Nhiệm Đầu Tư Việt Nam - một công ty được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có mã số doanh nghiệp 0109839192 do Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Thành phố Hà Nội cấp ngày 30 tháng 11 năm 2021 và địa chỉ trụ sở chính tại Phòng 2709, Tầng 27 – Tháp Tây, Tòa nhà Lotte Center Hà Nội, 54 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.



[1] Trong một số trường hợp, rủi ro tín dụng có thể liên quan đến một bên khác thay vì tổ chức phát hành, ví dụ: một bên bảo lãnh. Đối với xếp hạng tín nhiệm ở cấp độ tổ chức phát hành, vui lòng xem định nghĩa Xếp Hạng Tín Nhiệm Tổ Chức Phát Hành tại văn bản này.

[2] Hoán đổi kiệt quệ dẫn đến suy giảm giá trị cũng tương tự như hoán đổi kiệt quệ dẫn đến mất khả năng thanh toán ngoại trừ việc hoán đổi đó có hiệu lực cho phép tránh được sự kiện suy giảm giá trị, thay vì một sự kiện mất khả năng thanh toán.

[3] Việc không thanh toán tiền gốc theo quy định của hợp đồng là vi phạm. Một khi đã ghi bút toán giảm, thì việc khắc phục hoàn toàn, trong đó chứng khoán được ghi nhận lại lên đến số dư ban đầu, là đặc biệt hiếm; hơn nữa, trong hầu hết các trường hợp, việc ghi bút toán giảm tiền gốc dẫn đến việc tổn thất tiền lãi lập tức và lâu dài cho nhà đầu tư, vì số dư là căn cứ để tính tiền lãi đã bị giảm bớt.

Xếp hạng và đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp của bạn
Liên hệ với chúng tôi