Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2024 – Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đánh giá xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành dài hạn ở mức A+ đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB). Triển vọng đối với mức xếp hạng tổ chức phát hành A+ của OCB là ổn định. Đây là xếp hạng lần đầu tiên của VIS Rating đối với OCB.
CƠ SỞ XẾP HẠNG TÍN NHIỆM
Mức xếp hạng tổ chức phát hành dài hạn A+ phản ánh năng lực độc lập của ngân hàng OCB ở mức trên mức trung bình và kỳ vọng của chúng tôi về khả năng hỗ trợ ở mức trung bình của Chính phủ dành cho ngân hàng trong thời điểm cần thiết. Đánh giá năng lực độc lập của ngân hàng OCB thể hiện khả năng sinh lời và an toàn vốn ở mức mạnh, cũng như rủi ro tài sản, cơ cấu nguồn vốn và nguồn thanh khoản ở mức trung bình so với các ngân hàng cùng nhóm.
OCB được thành lập vào năm 1996, hiện là một ngân hàng thương mại quy mô trung bình với mạng lưới khiêm tốn nhưng đang phát triển nhanh chóng trên toàn quốc nhờ vào nỗ lực số hóa.
Chúng tôi đánh giá khả năng sinh lời của ngân hàng ở mức 'Mạnh'. Trong 5 năm qua, OCB đề ra chiến lược tăng trưởng kinh doanh nhắm đến các phân khúc khách hàng có lợi tức cao, bao gồm mảng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cũng như tập trung mạnh vào lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Trọng tâm chiến lược này giúp ngân hàng duy trì tỷ suất lợi nhuận trên bình quân tổng tài sản (ROAA) trung bình là 2.2% trong giai đoạn 2019-2023, cao hơn nhiều so với mức bình quân toàn ngành là 1.3%.
Cho vay khách hàng cá nhân và SME tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2023. Vào cuối năm 2023, cho vay cá nhân chiếm 36% tổng dư nợ của ngân hàng; SME 11%; và doanh nghiệp 53%. Ngân hàng có dư nợ đáng kể với các phân khúc sản phẩm và ngành có lợi tức cao, chẳng hạn như các khoản cho vay mua nhà chiếm 19% tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến cuối năm 2023, cho vay tiêu dùng – chủ yếu là cho vay kinh doanh hộ gia đình và thẻ tín dụng – 17%, kinh doanh bất động sản 9% và xây dựng 6%.
Khả năng sinh lời mạnh mẽ của ngân hàng chủ yếu đến từ lợi suất cho vay và biên lãi thuần (NIM) cao hơn ngành. Năm 2023, NIM của OCB giảm đáng kể xuống 3.3% từ mức 3.9% một năm trước đó, do lãi suất huy động của toàn ngành ngân hàng tăng sau hai lần tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản vào năm 2022. Do đó, ROAA của ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm là 1.5%.
Tại Q1/2024, ROAA của ngân hàng cải thiện nhẹ lên mức 1.6% nhờ NIM tăng. Trong 12-18 tháng tới, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của OCB sẽ được cải thiện khi các khoản tiền gửi hiện có và tiền gửi mới được điều chỉnh về mức lãi suất thấp hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ nửa đầu năm 2023. Những nỗ lực số hóa liên tục của ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ việc quản lý chi phí nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Vào cuối năm 2023, tỷ lệ chi phí trên thu nhập của ngân hàng là 35%, thấp hơn mức trung bình của các ngân hàng cùng nhóm là 41%.
Chúng tôi cũng kỳ vọng ngân hàng sẽ giảm bớt các hoạt động đầu tư chứng khoán– chiếm khoảng 10% tổng thu nhập hoạt động vào năm 2023 – góp phần cải thiện tính ổn định của lợi nhuận.
Chúng tôi định vị quy mô vốn của OCB ở mức ‘Mạnh’. Bên cạnh đợt rót vốn gần đây từ nhà đầu tư chiến lược, Ngân hàng Aozora vào năm 2020, khả năng sinh lời mạnh mẽ của OCB đã thúc đẩy khả năng tạo vốn nội bộ để hỗ trợ tăng trưởng tài sản của ngân hàng. Vào cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu chung hữu hình của ngân hàng ở mức 12.8% so với tổng tài sản có rủi ro, cao hơn mức trung bình ngành là 10.2%. Tương tự, tỷ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II của ngân hàng là 13.3%, cao hơn mức trung bình ngành là 11%.
Với khả năng sinh lời của OCB được cải thiện, chúng tôi kỳ vọng quy mô vốn của OCB sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong 12-18 tháng tới. Những nỗ lực giữ lại vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, nếu tiếp tục, sẽ có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy an toàn vốn.
Chúng tôi đánh giá chất lượng tài sản của OCB ở mức 'Trung bình', được thể hiện qua danh mục cho vay cá nhân và SME tăng trưởng nhanh và các khoản nợ quá hạn của danh mục này gia tăng đáng kể trong năm qua. Điểm xếp hạng cũng thể hiện kỳ vọng của chúng tôi rằng những nỗ lực của ngân hàng nhằm giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa danh mục tín dụng sẽ giúp rủi ro tài sản của ngân hàng dần ổn định hơn.
Ngân hàng báo cáo tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên 2.7% vào năm 2023 từ mức 2.2% của năm trước, tương ứng với xu hướng chung của ngành. Tỷ lệ nợ xấu từ cho vay bán lẻ là 5.7%, chủ yếu do suy giảm chất lượng tài sản từ các khoản cho vay mua nhà, cho vay tiền mặt tín chấp và thẻ tín dụng, cao hơn tỷ lệ nợ xấu SME là 4.1% và tỷ lệ nợ xấu doanh nghiệp là 0.5%, chủ yếu đến từ các khoản cho vay lĩnh vực xây dựng.
Bao gồm cả các khoản vay đã thành nợ xấu và đang hoặc chờ xử lý tài sản đảm bảo, tiến hành các thủ tục pháp lý vào cuối năm 2023, chúng tôi đánh giá tổng các khoản cho vay có vấn đề vào cuối năm 2023 ở mức 5.8% tổng dư nợ cho vay, và tỷ lệ này phản ánh rõ ràng hơn về mức độ suy giảm chất lượng tài sản.
Theo Ban lãnh đạo ngân hàng OCB, sự suy giảm khả năng trả nợ đối với các khoản cho vay cá nhân mua nhà vào năm 2023 là do môi trường kinh tế tăng trưởng chậm lại, lãi suất cho vay cao sau khi lãi suất điều hành tăng và tâm lý tiêu cực đối với thị trường bất động sản.
Mặc dù tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn nhưng OCB vẫn quản lý tốt rủi ro tài sản thông qua các nỗ lực tích cực khắc phục và thu giữ tài sản. OCB cũng duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản ở mức cao khi cho vay. Phần lớn các khoản vay chờ xử lý tài sản gán nợ liên quan đến các khoản cho vay mua nhà của cá nhân và ngân hàng có thể thanh lý các tài sản gán nợ này với tổn thất tối thiểu. Nhờ đó, chi phí tín dụng của ngân hàng được duy trì thấp hơn mức trung bình của ngành trong hai năm qua. Trong 3 tháng đầu năm 2024, chúng tôi lưu ý rằng ngân hàng đã xử lý được một phần ba tổng số tài sản gán nợ và ghi nhận lợi nhuận từ việc xử lý này.
Chúng tôi cũng hiểu rằng ngân hàng sẽ thắt chặt các tiêu chuẩn giải ngân tín dụng đối với các khoản vay cá nhân mới, chẳng hạn như tập trung vào khách hàng có việc làm và thu nhập ổn định, đồng thời hạn chế phê duyệt các khoản vay tín chấp mới. OCB cũng sẽ đa dạng hóa các khoản cho vay dành cho SME và doanh nghiệp bằng cách tăng cường cho vay vào các lĩnh vực công nghệ, vận tải kho bãi, năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh. Vào cuối năm 2023, tổng cho vay liên quan đến bất động sản (bao gồm cả cho vay cá nhân mua nhà) chiếm 35% tổng dư nợ của ngân hàng, khá cao so với mức trung bình ngành. Tuy nhiên, phần lớn khoản cho vay của ngân hàng là dành cho các nhà phát triển bất động sản lớn đã niêm yết trong nước và được đảm bảo cao bằng các tài sản liên quan đến bất động sản.
Tỷ lệ NPL theo báo cáo của ngân hàng ở mức 2.9% tại cuối tháng 3 năm 2024. Trong 12-18 tháng tới, chúng tôi kỳ vọng chất lượng tài sản của OCB sẽ dần ổn định khi nợ quá hạn giảm bớt cùng với môi trường lãi suất thấp, điều kiện thị trường bất động sản được cải thiện và chính sách tín dụng chặt chẽ hơn.
Chúng tôi định vị cơ cấu nguồn vốn và nguồn thanh khoản của ngân hàng ở mức 'Trung bình' để phản ánh mạng lưới khách hàng khiêm tốn nhưng đang phát triển nhanh chóng thông qua các kênh chi nhánh và nền tảng số giúp ngân hàng tăng trưởng hơn nữa về nguồn tiền gửi cốt lõi, cũng như phản ánh hồ sơ thanh khoản được quản lý khá tốt của ngân hàng.
Vào cuối năm 2023, tiền gửi không kỳ hạn chi phí thấp (CASA) của OCB chiếm 10.4% tổng dư nợ, thấp hơn mức trung bình ngành là 19.8%. Theo Ban lãnh đạo ngân hàng OCB, chiến lược số hóa đã giúp tăng trưởng đáng kể tiền gửi CASA mới từ cá nhân. Sau khi ra mắt nền tảng OMNI vào năm 2018 và Liobank – ngân hàng kỹ thuật số – vào năm 2023, ngân hàng chứng kiến gần 40% tiền gửi CASA cá nhân được thu hút thông qua các kênh ngân hàng số của mình trong năm 2023. Ngân hàng cũng đang tích cực cung cấp các giải pháp thanh toán và quản lý tiền mặt cho các doanh nghiệp lớn để tăng cường tiền gửi cốt lõi của mình. Chúng tôi kỳ vọng những nỗ lực này, nếu được tiếp tục, sẽ giúp cải thiện nguồn vốn cốt lõi chi phí thấp của ngân hàng.
Mặc dù có nguồn vốn khiêm tốn, OCB có lịch sử quản lý rủi ro thanh khoản khá tốt. Tài sản thanh khoản cao — dưới dạng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, trái phiếu Chính phủ và các khoản tiền gửi, cho vay liên ngân hàng — chiếm trung bình 27% tổng tài sản của ngân hàng trong ba năm qua, cao hơn mức trung bình ngành là 22%. Ngân hàng sử dụng một lượng đáng kể nguồn vốn thị trường cho các hoạt động cho vay và kinh doanh nguồn vốn của mình. Tổng nguồn vốn thị trường ở mức 28.7% tổng tài sản vào cuối năm 2023.
Chúng tôi lưu ý rằng không giống như các ngân hàng khác có các khoản vay liên ngân hàng lớn, nguồn vốn thị trường của OCB chủ yếu là các khoản vay dài hạn dưới dạng trái phiếu và các khoản vay từ các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Viện Tài chính Phát triển Đức (DEG). Các khoản vay này có thời hạn từ 1 đến 5 năm và theo quan điểm của chúng tôi, không gây rủi ro thanh khoản cho ngân hàng trong ngắn hạn.
Thay vào đó, những khoản vay này nâng cao tính ổn định của cơ cấu nguồn vốn và hồ sơ thanh khoản của ngân hàng. Dựa trên số liệu công bố của ngân hàng, vào cuối năm 2023, chúng tôi đánh giá rằng ngân hàng không có chênh lệch kỳ hạn đối với nguồn vốn đáo hạn dưới một năm.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào đối với việc quản lý rủi ro thanh khoản của ngân hàng trong 12-18 tháng tới và rủi ro thanh khoản sẽ tiếp tục được quản lý tốt.
Mức xếp hạng A+ của OCB bao gồm giả định của chúng tôi về khả năng hỗ trợ trung bình từ Chính phủ trong những trường hợp đặc biệt. Giả định này xét đến mạng lưới kinh doanh khiêm tốn và tầm quan trọng hệ thống ở mức trung bình của ngân hàng, cũng như việc khung pháp lý mới cung cấp cho cơ quan quản lý nhiều công cụ và cơ chế để xử lý các ngân hàng yếu kém.
OCB được thành lập năm 1996, ban đầu là ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Sau khi tái cơ cấu cổ đông, OCB dần chuyển đổi thành ngân hàng thương mại tư nhân vào năm 2010. Ngân hàng đã sớm áp dụng các thông lệ quản lý rủi ro quốc tế thông qua quan hệ đối tác với một số tổ chức tài chính quốc tế và trở thành một trong những ngân hàng tuân thủ đầy đủ Basel II đầu tiên của Việt Nam vào năm 2018. Là ngân hàng cỡ vừa với tổng tài sản 240 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2023, OCB có mạng lưới rộng khắp cả nước với 159 đơn vị kinh doanh bao gồm chi nhánh, phòng giao dịch và trụ sở chính. Phần lớn hoạt động kinh doanh của OCB diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đóng góp 78% thu nhập trước dự phòng vào năm 2023. Các cổ đông lớn của OCB bao gồm Ngân hàng TNHH Aozora (Nhật Bản) nắm giữ 15.0% cổ phần, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT và gia đình nắm giữ 19.7% tổng số cổ phần tính đến cuối năm 2023.
Triển vọng xếp hạng tổ chức phát hành dài hạn của OCB là ổn định, phản ánh quan điểm của chúng tôi rằng hồ sơ tín nhiệm của OCB sẽ duy trì ổn định trong 12-18 tháng tới.
Các yếu tố có thể dẫn đến việc nâng bậc xếp hạng
Mức xếp hạng A+ của OCB có thể được nâng lên nếu ngân hàng (1) thực hiện thành công chiến lược giảm rủi ro và cải thiện chất lượng tài sản cũng như bộ đệm hấp thụ rủi ro một cách bền vững, ví dụ thường xuyên duy trì tỷ lệ các khoản cho vay có vấn đề ở mức dưới 1% ; hoặc (2) ngân hàng chứng minh được khả năng tăng cường và duy trì nguồn vốn huy động cốt lõi chi phí thấp của mình ở mức bằng hoặc cao hơn mức trung bình ngành.
Các yếu tố có thể dẫn đến việc hạ bậc xếp hạng
Mức xếp hạng A+ của OCB có thể bị hạ nếu (1) các khoản nợ quá hạn và tỷ lệ hình thành mới các khoản cho vay có vấn đề của ngân hàng tiếp tục tăng so với mức hiện tại hoặc quy mô dư nợ với những khách hàng có rủi ro cao hơn tiếp tục tăng hoặc ngân hàng không thể giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản hiện hữu thông qua việc chủ động thu giữ, siết tài sản; hoặc (2) bộ đệm hấp thụ rủi ro của ngân hàng giảm đi trong 12-18 tháng tới do chất lượng tài sản hoặc lợi nhuận tiếp tục suy giảm; hoặc (3) ngân hàng suy giảm khả năng huy động vốn tiền gửi cốt lõi và/hoặc gia tăng đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn vốn thị trường ngắn hạn khiến ngân hàng gặp rủi ro thanh khoản cao hơn.
PHƯƠNG PHÁP XẾP HẠNG TÍN NHIỆM
Phương pháp Xếp hạng tín nhiệm: Tổ chức tài chính, phát hành tháng 09 năm 2023.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng tham khảo bản phương pháp xếp hạng tín nhiệm đầy đủ của chúng tôi tại: https://visrating.com/chinh-sach/phuong-phap-xep-hang-tin-nhiem-to-chuc-tai-chinh.13.html
Khi bạn truy cập bất kỳ trang thông tin điện tử nào, nó có thể lưu trữ hoặc truy xuất thông tin trên trình duyệt của bạn, chủ yếu ở dạng cookie. Thông tin này có thể là về bạn, sở thích của bạn hoặc thiết bị của bạn và chủ yếu được sử dụng để trang thông tin điện tử hoạt động đáp ứng yêu cầu của bạn. Thông tin thường không trực tiếp nhận dạng bạn, nhưng nó có thể cung cấp cho bạn trải nghiệm về trang thông tin điện tử mang tính cá nhân hóa hơn. VIS Rating tôn trọng quyền riêng tư của bạn, bạn có thể chọn không cho phép một số loại cookie.
Lựa chọn các tiêu đề danh mục Cookie khác nhau để tìm hiểu thêm và thay đổi cài đặt mặc định của chúng tôi. Tuy nhiên, chặn một số loại cookie có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của bạn về trang thông tin điện tử và các dịch vụ chúng tôi có thể cung cấp.
Thông báo về Cookie