Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tăng trưởng ngược dòng, tiến gần nhất với mức "Đầu tư"

Xếp hạng tín nhiệm Việt Nam năm 2024 duy trì ổn định, tiến gần mức “Đầu tư”, mở rộng cơ hội thu hút vốn và giảm chi phí vay cho quốc gia.

Trong năm 2024, cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn gồm Moody’s, Fitch Ratings và S&P Global Ratings đều duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức ổn định. Cụ thể, Fitch và S&P giữ mức BB+ với triển vọng Ổn định, trong khi Moody’s duy trì mức Ba2 với triển vọng Ổn định. Những đánh giá tích cực này phản ánh niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đồng thời là nền tảng quan trọng để tiến tới cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.

1. Tổng quan về xếp hạng tín nhiệm Quốc gia

Xếp hạng tín nhiệm Quốc gia (hay còn gọi là hệ số tín nhiệm Quốc gia) là một chỉ số quan trọng, phản ánh khả năng và mức độ cam kết của một Quốc gia trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi của chính phủ một cách đầy đủ và đúng hạn. Đây là một thước đo định tính về rủi ro tín dụng Quốc gia, được các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đưa ra dựa trên phân tích định lượng và định tính.

Về mặt định lượng, xếp hạng tín nhiệm đánh giá các chỉ số tài chính như nợ công, thu chi ngân sách, dự trữ ngoại hối, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, đầu tư và lãi suất. Đồng thời, các yếu tố định tính như tình hình chính trị, triển vọng kinh tế vĩ mô cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức tín nhiệm.

Xếp hạng tín nhiệm Quốc gia không chỉ là một chỉ số tài chính mà còn đóng vai trò như kim chỉ nam cho các nhà đầu tư quốc tế, giúp họ đánh giá mức độ rủi ro cũng như tiềm năng sinh lời trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào một Quốc gia. Đồng thời là yếu tố quan trọng để một Quốc gia thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh. Các đánh giá tín nhiệm thường được thực hiện định kỳ (thường hàng năm) hoặc khi xuất hiện các sự kiện quan trọng như phát hành trái phiếu hoặc những biến động có ảnh hưởng lớn đến hồ sơ tín dụng của Quốc gia.

Kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm được thể hiện qua hai thành phần chính: hệ số tín nhiệm và triển vọng tín nhiệm, mang lại cái nhìn tổng quan về độ tin cậy và tiềm năng phát triển của một Quốc gia trên thị trường tài chính quốc tế.

Tòa nhà Landmark 81 rực rỡ ánh đèn với quốc kỳ Việt Nam, nổi bật giữa trung tâm TP.HCM vào lúc hoàng hôn

Cả ba tổ chức lớn đều đưa ra xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức ổn định

2. Xếp hạng tín nhiệm Quốc gia của Việt Nam theo 3 tổ chức lớn

Standard & Poor's, Moody's Fitch Ratings là ba tổ chức định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới đã đưa ra kết quả xếp hạng tín dụng của Việt Nam. Kết quả này không chỉ phản ánh hiệu quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 mà còn là cơ sở để dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. 

Trong năm 2024, trong bối cảnh nhiều quốc gia tiếp tục đối mặt với bất ổn kinh tế và nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế ổn định trong mắt các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín. Cả ba tổ chức lớn – S&P, Moody’s và Fitch Ratings – đều giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, cho thấy sự tin tưởng vào nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

  • S&P duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB+ với triển vọng “Ổn định”.

  • Moody’s giữ nguyên mức xếp hạng Ba2 với triển vọng “Ổn định”.

  • Fitch Ratings xác nhận xếp hạng BB+ với triển vọng “Ổn định”.

Toàn cảnh trung tâm tài chính TP.HCM hiện đại với các tòa nhà cao tầng rực sáng ánh đèn vào buổi tối

Việt Nam nằm trong những nước được nâng hệ số tín nhiệm quốc gia

GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.  Năm 2024, kinh tế Việt Nam ghi nhận sự phục hồi rõ rệt với các cân đối vĩ mô tiếp tục được duy trì vững chắc, lạm phát được kiểm soát hiệu quả và tiềm lực tài chính – kinh tế quốc gia ngày càng được củng cố. Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt 7,09%, vượt mục tiêu đề ra (6 – 6,5%) và đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu trong khu vực cũng như trên thế giới. Đáng chú ý, các chỉ tiêu tài khóa quan trọng như bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài đều nằm trong giới hạn cho phép, góp phần nâng cao độ tin cậy và an toàn tài chính quốc gia.

Tỷ lệ nợ công so với GDP ước đạt 36 – 37%, trong đó nợ Chính phủ chiếm khoảng 33 – 34% GDP. Dư nợ nước ngoài của quốc gia dự kiến ở mức 32 – 33% GDP vào cuối năm. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước ước khoảng 21 – 22%, trong khi tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ được dự báo dao động trong khoảng 8 – 9%. 

Những thành tựu này không chỉ khẳng định hiệu quả trong việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, mà còn tạo dư địa quan trọng để Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội và ứng phó linh hoạt với các biến động trong tương lai.

Việc nâng hạng tín nhiệm có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Đối với Chính phủ, trong bối cảnh cần huy động các nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng hạng góp phần giúp Chính phủ mở rộng các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển với chi phí hợp lý.

Đối với doanh nghiệp, xếp hạng tín nhiệm Quốc gia góp phần đa dạng hóa nguồn tài chính, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài. Đồng thời giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng xếp hạng tín nhiệm Quốc gia làm điểm tham chiếu để phát hành trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn từ thị trường quốc tế hiệu quả hơn.

Đối với Quốc gia, trong bối cảnh nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi đang giảm dần, thì việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm Quốc gia một mặt giúp Việt Nam nâng cao vị thế của Quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin của nhà đầu tư quốc tế, giúp tiếp cận nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp hơn thông qua lãi suất vay ưu đãi, đặc biệt khi phát hành trái phiếu chính phủ.

Hội nghị Bộ Tài chính giới thiệu đề án nâng hạng tín nhiệm quốc gia với sự tham dự của nhiều chuyên gia và đại biểu

Năm 2030, nước ta quyết tâm đưa xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên mức “đầu tư”

Với kết quả hiện tại, Việt Nam đang tiến gần hơn tới mức tín nhiệm “Đầu tư” vào năm 2030. “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm Quốc gia tới năm 2030” đã chỉ rất rõ những mục tiêu cần đạt để tăng cường uy tín trên toàn cầu, giảm chi phí vay nợ, bao gồm các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế vĩ mô, tài khóa, chỉ tiêu lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, xã hội và môi trường.

Đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam bàn về cải thiện xếp hạng tín nhiệm Quốc gia bởi nền kinh tế đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng cao và kéo dài, thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài, thặng dư vãng lai được hình thành từ các yếu tố bền vững, phản ánh sức mạnh của nền kinh tế thay vì một lợi thế ngắn hạn và chúng ta cũng đang làm rất tốt trong việc ổn định nợ công.

3. Ảnh hưởng của xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam đến các doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Việc nâng hạng tín nhiệm Quốc gia tạo ra một hiệu ứng lan tỏa tích cực trong toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh Quốc gia đạt mức tín nhiệm cao hơn, một số doanh nghiệp và ngân hàng vốn bị giới hạn bởi mức trần xếp hạng tín nhiệm Quốc gia sẽ có cơ hội cải thiện điểm số của mình. Bên cạnh đó là một số lợi ích khác như:

  • Giảm rủi ro tổng thể: Các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao trong bối cảnh Quốc gia có tín nhiệm tốt sẽ được nhà đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư lớn, tổ chức tài chính đánh giá là ít chịu tác động từ rủi ro vĩ mô, tăng sức hấp dẫn đối với dòng vốn. Từ đó, giúp doanh nghiệp gia tăng sức hấp dẫn đối với dòng vốn, cải thiện khả năng huy động vốn một cách hiệu quả và bền vững.

  • Chi phí huy động vốn thấp hơn: Quốc gia xếp hạng tín nhiệm cao (chẳng hạn đạt mức "Đầu tư"), lãi suất trái phiếu chính phủ thường sẽ thấp hơn. Điều này tạo ra mức chuẩn (benchmark) thấp, giúp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hưởng lợi với chi phí lãi vay thấp hơn.

  • Giảm chênh lệch lãi suất: Xếp hạng tín nhiệm Quốc gia cao đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có xếp hạng tốt không cần trả mức lãi suất quá cao để bù đắp rủi ro, chênh lệch lãi suất (spread) giữa trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ có xu hướng giảm. Khi đó, doanh nghiệp có thể chào bán trái phiếu với điều kiện hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh

  • Tăng khả năng đàm phán: Xếp hạng tín nhiệm cao là một công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp tạo niềm tin với các đối tác tài chính. Khi đất nước có tín nhiệm cao, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thuyết phục nhà đầu tư chấp nhận điều kiện phát hành trái phiếu thuận lợi hơn như kéo dài kỳ hạn trái phiếu, đề xuất các điều kiện bảo đảm linh hoạt hơn hay tăng quy mô phát hành…

Ảnh ghép đa dạng về nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, dệt may và xuất khẩu thể hiện nền kinh tế Việt Nam phát triển toàn diện

Nâng hạng tín nhiệm Quốc gia sẽ tạo những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế

Xếp hạng tín nhiệm Việt Nam cho thấy chúng ta đang tiến rất gần tới mức “đầu tư”. Để tận dụng lợi thế từ việc nâng hạng tín nhiệm Quốc gia, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo các yếu tố nội tại như quản trị tốt, tình hình tài chính lành mạnh và chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Xếp hạng và đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp của bạn
Liên hệ với chúng tôi